Bài viết này tôi muốn dành tặng cho những người đã , hoặc đang cố gắng vượt qua thất bại. Hoặc những người cũng đã và đang cố gắng để vượt qua kỳ thi IELTS như tôi
Trong cuộc đời này, tôi không biết có ai chưa từng trải qua cảm giác thất bại. Với mỗi người định nghĩa thất bại có thể khác nhau. Trượt một kỳ thi đại học. Thiếu nửa điểm trong bài thi tiếng anh. Bị từ chối khi xin việc. Bị từ chối khi tỏ tỉnh. Xin visa không đậu.. có trăm ngàn kiểu “thất bại” , từ nhỏ tới to. Ngày xưa tôi thấy thất bại thật sự là ghê gớm lắm. Sau với thời gian và trải nghiệm, tôi nhận ra thất bại cũng chỉ là một chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống.
Chúng ta hay nghĩ thất bại vì chúng ta kém cỏi, chưa đủ giỏi, nhưng có một cách khác để nghĩ về thất bại, đó là “chưa đến lúc”. Mọi chuyện xảy ra trên đời, tôi tin, đều có ý nghĩa và có thời điểm nhất định. Trong khoảnh khắc đón nhận sự thất bại, ai mà không cảm thấy chua chát, thất vọng. Nhưng thay vì nhìn nó như một sự phản chiếu của khả năng của ta, chúng ta có thể nhìn thất bại như một cơ hội để ta học được một hay nhiều bài học mới.
Có những bài học về sự nhẫn nại, về sự kiên trì, về sự chuẩn bị kĩ càng, hoặc bài học về sự bền chí. Mỗi người chúng ta có bài học riêng mình, chỉ có bạn mới có thể “rút tỉa” những bài học đó trong kinh nghiệm của mình.
Câu chuyện này của tôi liên quan đến một sự “thất bại” trong thi cử và những bài học tôi đã tự rút ra cho mình.
Table of Contents
Kỳ thi mà ai cũng biết
Trước giờ tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm thi các kỳ thi chuẩn hóa, nên khi biết tôi phải thi IELTS để nộp hồ sơ qua Canada, tôi không sợ mà chỉ ngại học. Tuy nhiên giá trị của kỳ thi này và điểm tính của nó đối với hồ sơ cực kỳ lớn, tôi không thể lờ đi mãi đành bắt tay vào học.
Trước khi học tôi cũng hỏi han qua kinh nghiệm bạn bè và được biết nghe IELTS GT thì dễ đó, general training mà , nhưng rất nhiều người tôi quen đã có kinh nghiệm đau thương với môn viết. Sao? Viết ư? Mình suốt ngày viết report bằng tiếng anh rồi, chắc chuyện nhỏ.
Nhưng càng nghe nhiều kinh nghiệm bạn bè rớt lên rớt xuống môn viết, tôi càng hoang mang, không hiểu viết IELTS có cái gì mà kinh khủng thế nhỉ.
Có người đã thi lại 4-5 lần để lên được từ 6.5 lên 7.
Có người khác bạn tôi nộp tiền hẳn 10 lần, và thi 8 lần thì được điểm kỳ vọng (ở đây là writing được 7)
Có một cô gái khác sống bên Úc, dạy ở đại học và thi mất hơn 20 lần chưa đạt được điểm writing vừa ý (nguồn)
Càng đọc tôi càng cảm thấy có gì đó không phải ở đây. Có vẻ như so với IELTS Academic, IELTS GT – writing được chấm rất chặt . Họ dùng điểm IETLS như một “technical barrier”- rào chắn kỹ thuật ngăn không cho số người đủ điểm nộp hồ sơ quá nhanh, quá ào ạt.
Biết thế nên tôi không dám lơ là, ngoài phần viết học hết nguồn này đến nguồn kia, tôi học nghe rất cẩn thận, làm đủ mọi loại bài tập. Rồi còn mua đề tập nói. Hẹn bạn buổi tối tập nói. Đọc thì cũng làm tương đối để quen với cách hỏi của IELTS. Rồi tôi cũng qua trung tâm IDP làm thử bài test nghe xem nó thể nào. Thế nên tôi không thể nói mình kém chuẩn bị được.
Ngày đi thi
Hôm đó tôi còn nhớ tôi cẩn thận xin nghỉ cho tinh thần thoải mái. Sáng dậy tôi căng thẳng lắm. Để giữ cho mình tỉnh táo tôi quyết định uống bò húc. Có lẽ đó là quyết định hơi sai lầm vì chẳng bao lâu sau tôi bị đau nửa đầu (có lẽ vì stress và thần kinh bị kích thích quá). Tôi làm bài nghe và viết không tệ, nhưng đến bài nói thì quá run và quá căng thẳng (nghĩ cũng buồn cười, khi đi làm tôi dùng tiếng anh thoải mái mà do áp lực tâm lý tôi đã bị run rẩy).
Kết thúc bài thi tôi về nhà mà đầu óc căng như dây đàn, có lẽ tôi đã tự đặt áp lực cho mình quá cao, thêm cả chất xúc tác là lon bò húc nữa. Tuy nhiên tôi quyết định không nghĩ nhiều nữa, để xem sao…
Cảm giác thất bại
Do tôi đăng ký thi trên máy nên điểm được gửi đến nhanh hơn mong đợi. Tôi vẫn nhớ cái buổi tối hôm đó , tôi luýnh quýnh điền số báo danh họ tên vào trang web, cầu mong điểm mình sẽ không bị liệt, chắc không đến nỗi nào chứ, mình làm tốt mà..
Khi tôi ấn nút Enter, mấy giây chờ đợi cảm giác dài như trăm năm, và rồi tôi như hoa mắt không tin nổi vào mắt mình, tôi được 6.5 điểm writing. Con số ám ảnh bao người nay đã rơi xuống đầu tôi. Liệu có nhầm không? Tại sao lại thế? tôi đã viết rất trơn tru cơ mà? Có phải họ cố tình làm khó tôi? bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu. Một cảm giác cay đắng trào lên. Cảm giác về sự thất bại này thật khó nuốt. Tôi đã dành thời gian học hành nghiêm túc và cẩn thận, nhưng kết quả thì…
(tôi tự hỏi cảm giác những người thi trượt đại học nó có cay đắng thế này không hay còn hơn?)
Chỉ biết là từ lúc đó cái chữ IELTS và Writing đem lại một sự ám ảnh không nhỏ đối với tôi.
Thay đổi chiến lược
Nếu là người khác có lẽ họ sẽ học thêm và thi lại sớm. Nhưng tôi không chọn cách đó. Tôi không muốn nhìn thấy thất bại lần thứ 2, khi tôi chưa chuẩn bị đủ. Tôi không thấy thỏa mãn và nghĩ rằng có một bí quyết hoặc cách học gì đó phải thay đổi, nếu tôi vẫn giữ cách cũ, có lẽ tôi lại tốn thêm tiền, thời gian và đau tim thôi.
Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn ấp ủ kế hoạch “KILL IELTS”. Lần này, tôi tự nhủ, tôi sẽ tìm thầy để học cho ra tấm ra món. Tuy nhiên tôi không muốn học từ thầy cô giáo người việt, cá nhân tôi vẫn tin để học chuẩn chỉ thì nên học từ native speakers. Nếu đã đầu tư thời gian công sức, tiền bạc, tôi muốn chọn chỗ tốt nhất (theo định nghĩa của tôi).
Sau một thời gian để ý tìm hiểu, cuối cùng tôi cũng đã tìm được một chỗ học thỏa mãn được các tiêu chí của tôi đưa ra:
-Giáo viên là người bản ngữ. Founder là IETLS Examiner
-Chương trình học online – thuận tiện cho tôi nhưng không theo dạng prerecord mà còn kết hợp với LIVE class
-Học online kết hợp theo 2 cách: học theo lessons và học trực tiếp qua các buổi speaking session.
-Môn Writing sau khi học sẽ được chấm và sửa cho 10 bài miễn phí
-Có các buổi speaking hàng tuần và mỗi người được một số buổi Speaking practice
-Có khóa Grammar đi kèm
-Và đặc biệt, rất nhiều người đã như tôi, họ cũng rất thất vọng vì thi đi thi lại chỉ vì môn writing, sau một thời gian join khóa học, họ đã nâng điểm viết lên mức kỳ vọng. Đây là lý do lớn nhất mà tôi thấy khóa học này thực sụ có ích (không nhiều khóa học ngoài thị trường dám cam kết hoặc đưa ra nhiều bắng chứng về việc họ giúp học viên tăng điểm IELTS Writing GT)
Tuy nhiên tôi không quyết định đăng ký học ngay. Tôi vẫn cứ lưỡng lự lên xuống, khóa học này có đắt không, có thật sự hiệu quả không, rất nhiều thứ để cân nhắc.
Cuối cùng tôi làm bài toán về chi phí và lợi ích: một khóa học giá 6-700$ chỉ bằng 2 lần thi IELTS. Nếu tôi không học, khả năng thi lại là cao và tệ hơn nữa là cảm giác thất vọng. Nếu tôi học, khả năng tôi dành được điểm mong muốn và “be done with IELTS” sẽ cao hơn. Chi phí tiền nong như nhau, nhưng chi phí cơ hội rõ ràng là khác nhau trong 2 trường hợp.
Vậy là tôi quyết định đăng ký học.
Có lẽ là ít ai như tôi, tuy đăng ký full khóa nhưng tôi chỉ học phần grammar và phần viết, tôi không học tí nào phần nghe và đọc và nói. Có lẽ là tôi khá tự tin vào phần này của mình, phần nữa là tôi biết tôi cần tập trung nhất vào viết.
Tôi đã viết và gửi họ sửa được 2-3 bài / 10 bài rồi sau đó đăng ký thi.
Đi thi lần 2
Lần này đi thi tâm lý tôi khác hẳn lần trước. Tôi xác định nếu không được thì mình thi lại – đây là một cách giải tỏa áp lực cho chính mình. Trước khi thi tôi cũng học qua về nghe và không học tí nói nào. Do đợt đó có nhiều việc riêng nên tôi chỉ ôn lại phần viết. Hôm đi thi tâm trạng tôi rất thoải mái, không cần ly bò húc nào, tôi cũng không thấy hồi hộp như lần đầu.
Phần nói, nghe và đọc tôi đều cảm thấy trơn tru và tự tin.. Bài viết là bài tôi hơi hồi hộp vì có lúc tôi cảm thấy hơi bí ý tưởng, nhưng rút kinh nghiệm từ khóa học, tôi đã biết tôi hay mất điểm ở đâu và nên viết thế nào để được điểm cao. Thay vì viết văn hoa dùng nhiều từ khó, tôi tập trung vào viết đơn giản, rõ ràng rõ ý và logic. Phần bài 1 tôi dùng một số từ casually do đó là bài viết thư (không hiểu sao từ ở đâu cứ tuôn trào trong đầu khi tôi hoàn thành bài này).
Sau 4-5 ngày, hôm đó tôi đang ở Saigon và lúc đó là buổi tối, tôi tò mò lên trang web của IDP check thử xem có điểm chưa. Tôi cũng không kỳ vọng gì mấy. Giống như lần trước, lần này tôi cũng bị hoa mắt, nhưng hoa mắt vì không tin nổi. Tổng điểm 8.5
Đây là điểm thành phần của tôi
Nghe: 9
Nói: 7.5
Đọc: 9
Viết: 7.5
Vậy là điểm tôi đạt CLB10, mức điểm cao nhất bạn có thể đạt được khi nộp hồ sơ Express Entry ở Canada
Tôi vẫn còn nhớ mình đã vui sướng và hạnh phúc ra sao. Bao nhiêu áp lực, bao nhiêu lo lắng cuối cùng đã được giải tỏa. Thật tréo nghoe, khi tôi chuẩn bị một cách có chọn lọc + tâm lý tốt, tôi đã dành được điểm tốt hơn rất nhiều.
Bài học từ thất bại
Tôi tự hào là mình đã chỉ thi hai lần và đạt được mức điểm tốt hơn mong muốn. Tôi nhận ra thất bại cũng dạy cho mình được những bài học, miễn là chúng ta chịu suy nghĩ và thay đổi.
Có thể bạn nghĩ, chỉ là kỳ thi IELTS thôi mà, có gì mà ghê gớm đâu. Nếu vậy có thể bạn chưa biết , điểm thi IELTS đóng một trọng số cực kỳ lớn trong tổng điểm nộp hồ sơ định cư ở Canada và Úc. Chỉ chênh 0.5 điểm từ 7 xuống 6.5 mà điểm của bạn có thể tụt 20 điểm (trong khi đó điểm tuổi mỗi năm bị trừ mất 5 điểm sau 30-32 tuổi) (chi tiết cụ thể hơn về cách tính điểm các bạn có thể tham khảo ở link này). Vì vậy, 0.5 điểm không chỉ là kết quả của một kỳ thi. Nó có thể làm thay đổi đường đi nước bước và tương lai của một người, và có thể cả một gia đình. Nó có thể là “game changer”, do đó ảnh hưởng của nó cực kỳ lớn.
Dưới đây là một số bài học tôi đã tự rút ra cho mình đối với kỳ thi IELTS, cũng có thể áp dụng với các lĩnh vực khác trong cuộc sống:
- Hiểu rõ lý do thất bại
Tôi không nhận ra lý do chính mà điểm viết của tôi lẹt đẹt nếu tôi không viết và được chữa bài cẩn thận. IELTS là một kỳ thi tiếng anh học thuật và nó có những nguyên tắc riêng. Mặc dù lời khuyên miễn phí trên mạng rất nhiều, tôi đã làm theo, nhưng chỉ đọc lời khuyên và tự viết không đủ. Một người chữa bài và chỉ ra điểm yếu của mình là vô cùng quan trọng để chúng ta biết cần phải thay đổi ở đâu. Sau 2 bài chữa tôi nhận ra ngay hai thứ mình cần tập trung đó là : ngữ pháp (các thì, giới từ, chia động từ,…) và phát triển ý mạch lạc không rối rắm.
2. Có chiến lược rõ ràng để thay đổi “game plan”
Nếu tôi “háo thắng” và “sốt ruột”, tôi sẽ dễ dàng đóng tiền thi tiếp, không thay đổi cách học và cách chuẩn bị, rồi khả năng cao sẽ lại trượt, rồi lại thi, hy vọng mình có may mắn hơn.
Rất may là tôi không bị tâm lý đó (cũng vì tôi không thích mất tiền ngu), tôi thà bỏ tiền để học hành bài bản, tăng khả năng và tiết kiệm thời gian hơn là đánh bạc với …IELTS, hoặc số phần (tùy bạn điền). Có một chiến lược rõ ràng đã giúp tôi chinh phục được kỳ thi này.
3. Giữ tâm lý thoải mái và tự tin vào chính mình.
Đây cũng có thể là một success factor khác của tôi. Vốn là một người hay lo lắng và hay bị tâm lý, lần đầu tiên tôi đã đạt quá cao kỳ vọng vào bản thân và không muốn chấp nhận thất bại. Tuy nhiên lần hai tôi nhận ra tâm lý mới chính là thứ cản trở tôi để hoàn thành bài thi tốt nhất. Khi chưa thi tôi đã nghĩ đến các hậu quả của kỳ thi nếu tôi không đạt được điểm kỳ vọng.
Nếu bạn đọc về sức mạnh của tiềm thức, bạn biết là khi căng thẳng lo lắng, não bộ của ta sẽ không hoạt động ở mức tối ưu nhất. Tôi biết điều này nói ra thì dễ hơn làm, và không có cách nào khác phải luyện tập và luyện tập. Hãy nói với chính mình là mình sẽ cố gắng hết sức để không hối hận, nhưng mình chấp nhận nếu chẳng may kết quả có như không mong muốn. Mình tin là vào phòng thi, mình sẽ biết cách “biến hóa” và hoàn thành tốt kỳ thi.
4. Không “đốt tiền” không cần thiết. Đầu tư vào đúng chỗ sẽ giúp chúng ta rút ngắn được thời gian, giảm thiểu các loại chi phí (tài chính và phi tài chính)
Tôi chọn một hướng đi khác so với những bạn bè của tôi. Tôi không đăng ký thi lại liên tục khi tôi chưa chuẩn bị kỹ càng. Tôi hiểu nếu tôi thi không được nó sẽ rất ảnh hưởng đến tinh thần của mình. Ngoài ra, tôi thấy việc đăng ký liên tục và thử vận may khi không có một sự thay đổi rõ ràng về cách học là một sự lãng phí. Tôi thấy thà mình đầu tư vào học hành rồi tự tin đi thi còn hơn. Mặc dù số tiền có thể ngang nhau hoặc không chênh lắm, nhưng tôi chọn cách an toàn và chắc chắn. Dựa vào số phận hay hên xui chưa bao giờ là cách của tôi.
5. Thất bại không đồng nghĩa với chấm hết.
Chúng ta thường sợ thất bại, nhưng sự thật là chúng ta học được nhiều từ thất bại hơn thành công. Trong quá trình lớn lên, trưởng thành, chúng ta đã “vấp ngã” nhiều, nhưng thay vì coi đó là “thất bại”, tôi nghĩ mỗi người chúng ta có khả năng thay đổi cách “gọi tên sự việc” (trong tiếng anh gọi là change the narrative, hoặc reframe the story”). Mỗi một trải nghiệm , dù theo hướng chúng ta mong muốn hay không, nếu có thể học được một hoặc nhiều kinh nghiệm, bài học từ trải nghiệm đó, đối với tới đó là “thành công”. Còn nếu chúng ta mãi sa lầy trong đau khổ vì thất bại, không làm gì để thay đổi bản thân, thì đó quả thực là một thất bại.
Bạn hãy nhớ, chúng ta hoàn toàn có quyền và có khả năng thay đổi cách phản ứng và cách gọi tên của sự việc. Sau 10-20 năm nữa khi nhìn lại, bạn có khi sẽ cười vào bản thân vì nghĩ đó là thất bại nghiêm trọng lắm.
Nếu bạn đang tìm hiểu về Canada, hoặc đang trên hành trình học IELTS để nộp đơn qua Canada học hoặc định cư, bạn có thể tham khảo dịch vụ tư vấn của tôi tại đây
——–
Bonus
Nếu bạn cũng đang tìm hiểu để vượt qua IELTS thì khóa học của tôi là với trung tâm IELTS Advantage. Công ty được thành lập bởi anh Chris trước vốn là luật sư và sau làm IELTS examiner tại Bristish council (rất thú vị là anh cũng có vợ Việt Nam và đã từng sống ở Saigon)
Đây là khóa học tôi đã học https://www.ieltsadvantage.com/join-our-vip-academy/ và các câu chuyện thành công (từ những người như tôi https://www.ieltsadvantage.com/video-success-stories/)
Đặc biệt là tôi đã làm việc với team và có được một mức học phí đặc biệt cho bạn đọc của Minh & Life. Thông thường khi đăng ký các bạn sẽ phải chờ ở waitlist. Tuy nhiên, nếu các bạn đăng ký theo link dưới đây thì sẽ không cần vào waitlist và được ưu đãi 10% cho mỗi khóa học (giá dưới đây là giá sau ưu đãi)
- IELTS VIP Plus Course – https://pellacademy.mykajabi.com/a/2147491236/J3pNRroN
- IELTS VIP Academy – https://pellacademy.mykajabi.com/a/2147491238/J3pNRroN
- IELTS VIP Writing Academy – https://pellacademy.mykajabi.com/a/2147491240/J3pNRroN
Chúc các bạn thành công.
Thân

Leave a Reply