Bạn đã từng thử cố gắng lập budget trong 1 tháng, sau rồi lại bỏ quên. Bạn đã thử lại lần nữa nhưng lại nản lòng. Sự thật là budgeting là một bước rất “nhạt nhẽo” (boring) trong hành trình quản lý tài chính cá nhân, nhưng nó lại quan trọng như việc chúng ta học a,b,c trước khi học viết chữ và làm văn vậy đó.
Budgeting – lập ngân sách (trong bài này tôi xin dùng tiếng anh cho ngắn gọn) – không khó về mặt tính toán, nó khó ở mặt tâm lý. Trở ngại lớn nhất là “ngại” và “lười” và “không biết bắt đầu từ đâu“. Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm làm budgeting của mình với 7 bước đơn giản.
Trước tiên bạn nên mở Google Sheet, hoặc Excel và mở các sao kê thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng trong vòng 3 tháng vừa qua trước mặt. Có các thông tin này trước mặt sẽ giúp bạn thu thập thông tin nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bạn cũng có thể viết vào sổ nháp trước nếu bạn muốn.
Bạn có thể tham khảo mẫu Budgeting qua công cụ của tôi ở đây: MY WEALTH DASHBOARD
Table of Contents
BƯỚC 1: ĐẶT MỤC TIÊU CỤ THỂ
Mỗi người sẽ có tầm 2-3 mục tiêu lớn về tài chính ở mỗi thời điểm. Bạn hãy viết nó ra, đi kèm theo con số dự tính cho mỗi mục tiêu.
Ví dụ:
-Mua nhà
-Nghỉ hưu sớm
-Tiết kiệm tiền cho con đi du học
Bạn cũng có thể thêm vào các mục tiêu nhỏ hơn, như mua ô tô, sửa bếp, sửa nhà, du lịch Châu Âu. Ghi ra con số ước tính của bạn cho mỗi mục tiêu này
Tiếp đó bạn suy nghĩ về mức thu nhập và tiết kiệm mong muốn của mình trong 3-5 năm tới là bao nhiêu. Ghi con số đó ra.
BƯỚC 2: XÁC ĐỊNH TỔNG THU NHẬP
Nếu bạn là người làm công ăn lương và không có khoản thu nhập nào khác, vậy thì dễ rồi. Tuy nhiên nếu bạn có thêm các khoản thu nhập bên ngoài từ việc làm thêm, tiền child benefits, thu nhập từ căn hộ cho thuê, từ các khoản đầu tư, hoàn thuế, cashback, bạn nên ghi các khoản mục thu nhập lớn ra để tạo thành subcategory trong đầu mục Thu nhập.
Với các khoản thu nhập không thường xuyên và linh tinh, có thể gộp hết vào Other income
BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH CÁC KHOẢN CHI TIÊU
-Rà soát lại tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng , các hóa đơn còn giữ nếu có.
-Lập một danh sách các khoản chi cố định (fixed expense) như : tiền thuê nhà, tiền trả nợ ngân hàng, tiền chợ trung bình trong một tháng, tiền điện nước điện thoại, thuê bao Netflix..
-Lập ra danh sách các khoản chi thay đổi (variable expense) theo mỗi tháng như: tiền ăn ngoài, tiền mỹ phẩm, entertainment, quần áo, sữa bỉm, tiền chi cho học hành
-Bạn cũng không thể quên các khoản chi thường tính theo quý/ năm như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, thuế..
Nếu có thể thì trong danh sách trên các bạn tạo thêm 2 cột : CẦN và MUỐN để xác định các khoản chi “không thể đừng được” (CẦN) và các khoản chi có thể cắt giảm (MUỐN)
Sau khi xem xét lại mức chi tiêu trong 3 tháng và loại bỏ các khoản chi đột biến (nhớ phải trung thực khi ghi chép nhé), bạn sẽ có một mức ước tính tương đối chính xác cho mức chi tiêu của bạn hoặc của cả gia đình.
Cách đơn giản là dùng các spreadsheet hoặc application có sẵn để giúp bạn theo dõi chi tiêu.
BƯỚC 4: TẠO LẬP NGÂN SÁCH (BUDGET)
Bạn có thể nghĩ về “budget” như một dạng kế hoạch chi tiêu (spending plan), có nghĩa là mình mong muốn chi tiêu như thế nào. Với ngần đó thu nhập, bao nhiêu tiền sẽ dành cho chi tiêu và bao nhiêu tiền sẽ dành cho tiết kiệm, đầu tư. Hãy đặt mục tiêu cho mỗi đồng tiền của bạn.
Budget trước tiên sẽ đáp ứng các khoản chi tiêu “cần thiết” trước, sau đó mới đến các khoản “muốn”.
Khi làm budgeting, bạn đừng quên tiết kiệm cho các mục tiêu lớn và nhỏ của bạn.
Với các mục tiêu lớn: hãy chia ra mỗi năm bạn cần tiết kiệm bao nhiêu (X)
Với các mục tiêu nhỏ: hãy chia ra mỗi tháng bạn cần tiết kiệm bao nhiêu (Y)
Cộng hai số này (X+Y) bạn sẽ biết mục tiêu bạn cần tiết kiệm (và đầu tư) để đạt được con số này mỗi năm là bao nhiêu.
Nguyên tắc quan trọng nhất: Không tiêu vượt quá thu nhập!!!
(sẽ có thể có những tháng chi tiêu vượt quá thu nhập do tính chất của các khoản chi tiêu – ví dụ đóng tiền học đầu năm cho con. Tips: luôn budget theo năm, hoặc ít nhất là 6 tháng, khi đó các khoản chi tiêu và thu nhập sẽ được “bình thường hóa” (normalize)
Nếu thu nhập của bạn thấp hơn chi tiêu, có 2 cách: một là tăng thu nhập, hai là giảm chi tiêu và điều chỉnh budget. Với cách hai, bạn cần rà soát lại các mục chi tiêu thay đổi (variable expense) để giảm các mục chi tiêu này.
BƯỚC 5: TRẢ CHO BẠN TRƯỚC- PAY YOURSELF FIRST
Ngay sau khi nhận lương hoặc có tiền thu nhập, bạn nên cắt một khoản cố định chuyển vào tài khoản đầu tư để sinh lãi. Đây là cách mà bạn để đồng tiền bạn kiếm được làm việc cho bạn.
Cố gắng tăng tỷ lệ tiết kiệm càng cao càng tốt (nhưng không đến mức cực đoan là không dám chi tiêu gì hết vì như vậy sớm hay muộn bạn cũng cảm thấy bất mãn và từ bỏ budgeting).
Mỗi một khoản tiết kiệm nhỏ cùng với giá trị của lãi kép và thời gian sẽ sinh sôi nảy nở
BƯỚC 6: TẠO QUỸ DỰ PHÒNG (EMERGENCY FUND)
Nếu bạn chưa có quỹ dự phòng, tôi thành thật khuyên bạn nên làm ngay. Quỹ dự phòng trung bình nên để ở ngưỡng 6-7 tháng chi tiêu, hoặc tốt hơn là 12 tháng. Bạn có thể gửi tiết kiệm khoản tiền này để giá trị tiền không bị giảm theo lạm phát nhưng vẫn có thể rút ra lúc cần kíp. Không nên đầu tư vào các khoản đầu tư rủi ro vì khả năng giá trị khoản đầu tư bị lỗ khi bạn cần là rất cao.
Ví dụ trong spreadsheet này tôi để hẳn một mục là Emergency fund và mức budget tôi dự kiến sẽ tiết kiệm cho mục này (con số này mang tính tham khảo)
BƯỚC 7: ĐỊNH KỲ KIỂM TRA
Cuối cùng, bạn nên định kỳ kiểm tra xem xét lại ngân sách của mình trung bình mỗi tháng hoặc hai tháng một lần để đảm bảo mình luôn nắm chắc tình hình tài chính của mình và thay đổi mục tiêu hoặc cách chi tiêu nếu cần.
Theo kinh nghiệm của tôi, bạn nên dành thời gian kiểm tra mỗi tháng, hoặc muộn nhất 1 quý một lần xem chi tiêu thu nhập của mình đang cần điều chỉnh ở đâu. Mình đã tăng được thu nhập , tiết kiệm chưa? Các khoản đầu tư của mình có lãi hay lỗ nhiều không? Có cần phải thay đổi chiến lược đầu tư không? Trong các khoản chi phí thì có những khoản nào đột biến mà cần phải lưu tâm? v..v
KẾT
Các bước trên với các bạn chưa có kinh nghiệm có thể sẽ thấy hơi lằng nhằng, nhưng miễn là bạn hiểu nguyên tắc của tiền vào, tiền ra và có một công cụ tốt (ví dụ như Excel, Google Spreadsheet) hoặc một bảng biểu trên giấy, bạn hoàn toàn có thể làm rất nhanh. Sau khi tôi đã hoàn thành ngân sách và hiểu rõ đồng tiền vào ra của mình, tôi cảm thấy thoải mái và tự tin rất nhiều về cách mình tiêu tiền. Mỗi đồng tiền sẽ có một mục đích và ý nghĩa trên hành trình của tôi.
Các bạn có thể tham khảo mô hình budget của tôi tại đây để tạo budget cho riêng bạn.
Thân
Leave a Reply