Mỗi người chúng ta nếu đã trải qua nền giáo dục ở Việt Nam , chúng ta thường nghe bố mẹ ông bà cô dì chú bác nói rằng học nhiều để có bằng cấp, để ra trường kiếm nhiều tiền, để ổn định, để không phải làm những nghề nặng nhọc (như quét rác.”)
Thành thực mà nói, nếu là tôi của ngày xưa, tôi sẽ phản ứng ngay khi nghe những lời như vậy.
Nhưng giờ ngẫm lại tôi nghĩ trong các ý của các cụ dạy không phải không có lý.
Bố mẹ của chúng ta trải qua thời kỳ khó khăn chiến tranh và hậu chiến tranh, nên họ thấm rõ cái khổ và cái nghèo đói của mỗi thời kỳ đó. Học hành là một cách bền vững để xây dựng tương lai cho bản thân và “thoát nghèo”, cái đói nghèo đã ám ảnh hàng triệu gia đình ở miền Bắc và miền Trung chỉ vài chục năm trước
Cái tôi không đồng ý với quan điểm chung này của người Việt Nam đó là việc học hành dường như mang nặng tính đối phó và để thu thập bằng cấp, nhiều hơn là đầu tư để nâng cao thực lực.
Có lẽ có nhiều lý do và nhiều cách giải thích cho vì sao bố mẹ chúng ta , hay xã hội chúng ta lại mang một cách hành xử như vậy. Nếu phân tích thì quả rất dài..
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn mỗi người , mỗi bạn trẻ khi đang ở trong tuổi trẻ, muốn chuẩn bị tốt cho tương lại, các bạn có thể tự hỏi bản thân rằng, mình làm cái này vì điều gì? Vì động lực tự thân hay vì bố mẹ xã hội muốn?
Nói một cách khác, động lực đến từ bên trong hay bên ngoài?
Để chuẩn bị tốt cho tương lai, nghề nghiệp, tài chính, gia đình, ai trong chúng ta cũng một cách vô thức hay có ý thức phải đầu tư cho bản thân. Đầu tư cho bản thân có thể đến từ nhiều cách. Tựu chung lại, đầu tư cho bản thân tức là chúng ta đang tái đầu tư vào Human capital, hay còn gọi là nguồn vốn con người.
Nguồn vốn con người có thể được định nghĩa là tổng hòa các yếu tố về tuổi tác, kinh nghiệm kỹ năng, quan hệ…nhìn từ góc độ đem lại giá trị cho công ty và xã hội.
Vậy chúng ta có thể làm gì để tăng cường giá trị của chính mình thông qua việc đầu tư cho bản thân, dưới đây là một số cách các bạn có thể áp dụng:
Table of Contents
Đầu tư vào kiến thức và kỹ năng
Có nhiều người nghĩ rằng, học xong đại học, cao học lấy được mảnh bằng là xong, chấm dứt sự học. Thật ra chuyện đó chỉ đúng ở thời đại ngày xưa , khi các phương tiện học hành và lựa chọn rất giới hạn. Với thế giới phẳng ngày nay, dường như chúng ta còn bị ngợp bởi đại dương các khóa học và các thể loại học hành. Việc học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên thời gian mỗi người có hạn. Chọn học gì và đào sâu vào mảng gì lại cần chúng ta suy nghĩ nhiều hơn là lao đầu vào học.
Tôi vẫn nghĩ, học nhiều biết nhiều còn hơn không biết, nhưng luôn có một giới hạn đối với sự “nhiều” đó.
Bạn có thể chọn học theo hướng mở rộng theo bề ngang hoặc bề dọc đối với lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi.
Bề ngang là mở rộng theo hướng rộng, bề dọc là tập trung vào hướng sâu.
Lấy ví dụ như tôi, tôi quyết định lựa chọn học Data Science and business Analytics là vì tôi đã trải qua nhiều năm làm tư vấn liên quan đến chiến lược. Khi làm việc tôi nhận ra ở Việt Nam, việc sử dụng các công cụ và phương pháp phân tích data để hiểu dữ liệu còn quá ít ỏi và quá hiếm. Một phần vì dữ liệu của nhiều công ty còn thiếu và yếu, một phần vì đây là một mảng mới, nhân lực không có. Vậy nên sau rất nhiều suy nghĩ tôi quyết định tham gia khóa post graduate của trường University of Texas at Austin. Việc chủ động cập nhật kiến thức và kỹ năng này sẽ là bước đệm đầu tiên để sau này tôi tự học và tự đào sâu cho mình. Nó cũng giúp tôi trả lời những câu hỏi, những vấn đề khi phân tích thị trường và làm chiến lược. Ví dụ như cách phân nhóm khách hàng, phân nhóm các quốc gia để phát triển du lịch địa phương có thể sử dụng K-means clustering. Dự đoán doanh thu của một cửa hàng có thể dùng Regression, kiểm tra mức độ hiệu quả của một trang web mới có thể dùng A/B testing..
Đối với tôi, động lực đầu tư vào bản thân của tôi chủ yếu đến từ động lực tự thân, mong muốn mình trở nên tốt hơn, giỏi hơn sau mỗi tháng, mỗi năm, muốn trả lời được những câu hỏi của mình ít nhiều hơn là dựa vào người khác.. Tôi hay đùa với bạn là đi học để competitive hơn, điều đó đúng nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ. Tôi không phải tuýp người ngày này qua tháng khác chỉ hài lòng với một version of myself, không có gì mới không có gì thay đổi.
Do vậy, bạn có thể làm một buổi brainstorm với chính bản thân mình xem, với ngành nghề lĩnh vực mình muốn theo đổi, bạn có thể học thêm thứ gì để hỗ trợ cho các kiến thức mình đang có? Học kiến thức hay học kỹ năng sử dụng một công cụ gì đó đem lại giá trị cao hơn cho bạn và nhà tuyển dụng, tăng năng suất, làm việc hiệu quả hơn? Luôn luôn có một thứ gì đó, tin tôi đi.
Đầu tư vào ngoại ngữ (tiếng anh và một ngoại ngữ khác)
Đôi khi tôi cảm thấy mình thật “may mắn” vì trình độ tiếng anh của tôi đủ tốt và đủ dùng để mở ra rất nhiều cánh cửa..Nói may mắn cho vui, chứ đằng sau cái may mắn đó là rất nhiều nỗ lực tự thân của chính mình
Đối với các thế hệ Gen Z, điều mà tôi tự hào này có thể nghe thật funny, nhưng nếu quay lại trải qua thời ngày xưa nơi mọi công cụ nguồn học tiếng anh đều thiếu thốn, nỗ lực để tiếp tục học tiếng anh là một nỗ lực đáng trân trọng.
Bạn bè tôi, nhiều tuổi hơn và cả ít tuổi hơn, không có nhiều người đủ tự tin để đọc sách tiếng anh, đa phần khi tôi giới thiệu một vài cuốn sách hay cho họ, cũng như trên các diễn đàn, tôi thấy nhiều người trẻ vẫn chật vật với việc đọc tiếng anh. Mặc dù tiếng anh là một ngôn ngữ quá phổ biến bây giờ, mặc dù chúng ta được tiếp xúc với tiếng anh từ tiểu học, nhưng số người đọc và viết thành thạo thường không nhiều..
Tôi thấy thật đáng tiếc cho điều đó.
Khi chúng ta có khả năng sử dụng tiếng anh, nghe đọc nói thông thạo, chưa nói đến viết, chúng ta không chỉ mở ra nhiều cánh cửa về nghề nghiệp, nói được tiếng anh giúp ta giao tiếp tốt hơn với người nước ngoài, chúng ta học cách tư duy khác và rộng hơn bằng một ngôn ngữ khác, chúng ta có công cụ để truy cập vào kho tàng kiến thức khổng lồ về sách và các khóa học trên biển internet ngoài kia.
Nếu tiếng anh chưa đủ tốt, bạn muốn đọc một cuốn sách gì đó, bạn sẽ phải chờ bản dịch, hoặc có thể sẽ chẳng có bản dịch nào vì đơn giản
Khi tiếng anh đủ tốt để tự đọc , bạn sẽ nâng cao khả năng tự học lên gấp nhiều lần, vì giờ bạn không còn bị giới hạn bởi những nguồn lớp học của người Việt Nam, hay bạn có thể tự đọc tự khám phá hàng trăm ngàn triệu cuốn sách ở mọi lĩnh vực bạn yêu thích. Có một sự khác biệt lớn giữa nội dung sách do người nước ngoài – có tri thức – viết và sách do người Việt Nam viết, bao gồm cả sách dịch.
Tiếng anh là cây cầu để nối ngôi làng Việt Nam ra thế giới. Bạn không cần chờ người dẫn qua cầu (người dịch hay bất kỳ ai) để tiếp cận với tri thức thế giới.
Và học tiếng anh, hay tiếng Hàn, Tiếng Pháp, tiếng trung..là học thêm cả về một văn hóa mới.
Khi bạn chưa có đủ thời gian tôi mong bạn hãy cứ tập trung mài dũa kĩ năng tiếng anh của mình cho tốt. Ít nhất đủ ngang với các nước bạn láng giềng. Ra nước ngoài thấy họ nói trôi chảy tiếng anh mà trong lòng tôi cứ ngậm ngùi, vì sao dân mình vốn chăm học, vì sao dân mình không ngại đầu tư cho việc học, mà tiếng anh lại cứ lẹt đẹt mãi thế..
(không phủ nhận hiện giờ các bạn gen Z tiếng anh giỏi hơn ngày xưa nhiều, nhưng tôi nghĩ đa phần người VN tiếng anh vẫn còn rất sơ đẳng và chưa tận dụng được hết tiềm năng của mình)
Đầu tư vào kinh nghiệm và trải nghiệm
Tuổi trẻ có một lợi thế , đó là sự hừng hực nhiệt tình , đó là sự tự tin, vấp ngã thì ta lại đứng lên. Nhưng tuổi trẻ lại thiếu đi kinh nghiệm và trải nghiệm, và độ đằm. Giáo dục và văn hóa truyền thống lúa nước của Việt Nam theo như tôi quan sát tập trung vào “sự an toàn”, đi theo các lối mòn mà các người đi trước đã chỉ. Có mấy ai được bố mẹ động viên trải nghiệm đi con, cho con một năm gap year, hay học cách tìm hiểu về chính bản thân mình thông qua trải nghiệm.
Chúng ta học là một phần, kiến thức sẽ giữ trong đầu , nhưng chính thực hành và trải nghiệm sẽ làm cho kiến thức và kỹ năng ở sâu trong tim ta, biến thành của ta.
Nếu tôi không tự mình tìm đường xin học bổng đi Mỹ đi học MBA, có lẽ tầm tư duy của tôi cũng sẽ bị giới hạn hơn, có lẽ tiếng anh của tôi sẽ không tốt như bây giờ, có lẽ tôi sẽ không biết cách tự suy nghĩ cho chính mình (think for myself) hay học cách lên tiếng (speak up) – điều mà 24 năm trước đó tôi không từng được học hay động viên để làm. Speak up, nói lên chính kiến của mình, là thứ không được khuyến khích trong các môi trường tôi đã trải qua, từ nhà, tới trường, tới công ty..
Đi du học là một trải nghiệm quý giá của cuộc đời tôi, những chuyến đi du lịch cũng giúp tôi tự tin hơn vào kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tự dựa vào bản thân mình hay học cách nhờ sự trợ giúp, khó có thể nói gọn những thứ tôi đã học được khi đi du lịch đến những vùng đất mới.
Iran, Thổ Nhĩ kỳ, Ladakh, Bhutan..những nơi tôi tự hào đã đi qua và ghi dấu chân bé nhỏ của mình lên những vùng đất đậm đặc văn hóa đó. Khi đi đến các nền văn hóa mới , tự dưng tôi thấy mình nhỏ bé, và tôi thấy mình soi chiếu tính dân tộc và thói quen của mình trong một nền văn hóa khác rõ ràng hơn. Tôi học cách chấp nhận sự khác biệt và không chỉ nhìn bầu trời như một cái nắp giếng.
Nếu bạn có tiền, có tuổi trẻ, có thời gian, hãy đi nhiều vào. Đừng lo lắng quá đến việc tiết kiệm, nghỉ hưu sớm. Tôi đã có thể tiết kiệm được kha khá tiền nếu tôi không tham dự những chuyến đi đó, nhưng tôi tin chắc tôi không tiếc vì khoản đầu tư đó đã lời hơn giá trị tài chính của nó rất nhiều.
Ở trên chỉ là một vài ví dụ rất cơ bản về trải nghiệm và kinh nghiệm. Ngoài kia có rất nhiều trải nghiệm để bạn dấn thân. Tham gia một khóa học vẽ, một khóa yoga, một chuyến hike, một chương trình tình nguyện, hoặc tự làm một podcast..có vô vàn thứ để bạn thử. Khi bạn chưa thử bạn có thể sẽ thấy ngợp, sợ, căng thẳng..Nhưng bước đi đầu tiên nào cũng khó. Chúng ta cứ cặm cụi đi từng bước một, đến một ngày bạn sẽ thấy mình trở nên giỏi giang hơn, tự tin hơn mình ngày trước rất nhiều.
Đầu tư vào các mối quan hệ
Khi người việt ta nói về “mối quan hệ” có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay “à, đầu tư quan hệ để về lâu dài xem có lợi lộc gì không…”, tôi đoán vậy. Suy nghĩ đó rất phổ biến và không sai, nhưng khá là hời hợt.
Khi nói về đầu tư vào các mối quan hệ, tôi muốn nói đến một mạng lưới hỗ trợ, support system để giúp chúng ta trưởng thành và đi xa hơn. Không nhất thiết người đó phải là người có địa vị, có network một ngày nào đó giúp bạn vào đi qua cổng của một công ty nào đó, đầu tư vào các mối quan hệ có nghĩa là chúng ta nhận ra chúng ta không thể sống đơn độc, chúng ta sẽ học rất nhiều từ các mối quan hệ với đồng nghiệp, anh em, bạn bè. Tôi thật sự nghĩ ai cũng có một giá trị và kinh nghiệm nào đó cho chúng ta học hỏi. Nếu không phải là kỹ năng thì là kinh nghiệm, trải nghiệm, một góc nhìn khác. Đôi khi là một cơ hội mà chúng ta không ngờ tới. Tuy nhiên chúng ta chỉ nên đầu tư vào các mối quan hệ với mục đích “không vụ lợi”, nếu chưa bắt đầu mà đã nghĩ mối quan hệ này làm lợi được gì cho ta (nghề nghiệp, tiền bạc..) đảm bảo dần dà bạn sẽ mất hết các mối quan hệ. Đơn giản vì con người chúng ta đều có khả năng nhận biết được ai thật lòng và ai lợi dụng. Ít người sẵn sàng cho đi thời gian và các tài sản vô hình cho những người chỉ muốn lợi cho mình. Hãy cứ bắt đầu một mối quan hệ vô tư trong sáng, duy trì quan hệ vì chúng ta yêu quý họ hoặc ngưỡng mộ họ. Khi bạn được yêu quý và có các mối quan hệ rộng khắp, sẽ có một ngày bạn nhận ra giá trị của support system của bạn một cách không ngờ tới đâu.
KẾT
Ngày còn rất trẻ, tôi cứ nghĩ học xong đại học là xong, xong rồi tôi lại học lên Master, rồi cũng nghĩ thế là xong, rồi tôi lại học thêm CFA, và bây giờ là Data Analytics, trước đó học chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh, học thiết kế website, học thiết kế templates, liên tục trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ…Rồi tôi nhận ra là học hành là cả một quá trình kéo dài cả cuộc đời và không dừng lại tại thời điểm bạn nhận bằng. Nếu tôi không đầu tư vào bản thân qua học hành trải nghiệm, xã hôi đi lên nghĩa là tôi thụt lùi.
Tôi mong bạn – nếu chưa có- sẽ sớm tìm đươc niềm vui trong những trải nghiệm, kinh nghiệm và bắt đầu đầu tư cho bản thân. Sẽ có ngày bạn cảm ơn mình vì đã không tiếc tiền cho chính mình. Chúng ta là khoản đầu tư quan trọng nhất trong cuộc đời, chứ không phải chứng khoán, hay bất động sản..
Tôi chúc bạn tự tin, và hạnh phúc,
Leave a Reply