Covid – Canada- FIRE movement – 3 điều này tưởng như không có gì liên quan nhưng lại có một điểm chung, đó chính là thay đổi tư duy về tài chính của mình.
Trước kia mình ở Việt Nam, cuộc sống đi làm đều đặn mỗi tháng nhận lương, công việc của mình làm tư vấn nên nhịp độ thất thường, lúc thì rảnh lúc lại chạy deadline. Đa phần cuộc sống lúc nào cũng xoanh quanh deadline, đi làm về mình chỉ muốn nghỉ ngơi. Team của mình đều rất dễ thương và sếp mình thì rất tốt. Mình không nghĩ nhiều đến việc quản lý tài chính. Cứ mỗi tháng nhận lương , chi tiêu vào những thứ cần chi tiêu rồi sau đó cho vào tiết kiệm và một ít đầu tư.
Trong vòng hơn hai năm qua, từ khi mình chuyển qua Canada, kiếm tiền bằng ngoại tệ và tiêu tiền cũng bằng ngoại tệ. Chi tiêu ở thành phố Toronto khá đắt đỏ, đặc biệt là tiền thuê nhà và ăn uống ở ngoài. Do vậy mình trở nên ý thức hơn về các khoản chi tiêu của mình.
Chưa được vài tháng thì cả thế giới dính Covid, mình cũng thấy hoang mang, bao nhiều người bị nghỉ việc mất việc, hoặc công việc vốn tưởng vững chắc nay bỗng trở nên rủi ro hơn. Cả thế giới học cách đối mặt với mọi sự không chắc chắn về tất cả mọi mặt, sức khỏe công việc tiền bạc..
Trong thời gian đó, vô tình mình lại tìm hiểu về trào lưu FIRE – tự do tài chính và nghỉ hưu sớm. Trào lưu này đã và đang phát triển mạnh ở các nước Mỹ và Canada. Rất nhiều người nhận ra họ không muốn phải bán sức lao động đổi lấy tiền. Sự thực là có nhiều hơn một cách để xây dựng tài sản (build wealth), để tiền làm việc cho mình và đạt tới mục tiêu nghỉ hưu sớm.
Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là không đi làm nữa, mà chúng ta không phải đi làm với áp lực kiếm tiền. Chúng ta làm những việc mà chúng ta muốn, với thời gian tự do và thoải mái. Tư duy làm việc cho corporate đã đang trở nên lỗi thời. Tư duy làm cho chính mình và tận hưởng cuộc sống (khi cuộc sống vốn mong manh và nhiều bất trắc) sẽ thay đổi cơ cấu lao động ở các nước trong thời gian không xa.
Một cách rất tự nhiên, ba yếu tố này đã thay đổi tư duy về tiền bạc và thu nhập của mình.
Table of Contents
1. Hiểu rõ tình hình tài chính cá nhân
Rất nhiều người – trong đó có mình- ngại và lười tìm hiểu xem tình hình tài chính của mình như thế nào. Có một số lý do, thường là việc hiểu rõ và tracking các khoản chi tiêu sẽ đem cho ta cảm giác “khó chịu”, ta khó chịu vì ta không nghĩ ta tiêu nhiều thế, hoặc ta không muốn đối diện với “hard truth”, hoặc ta nghĩ ta không tiêu gì nhiều nhặn đâu
Điều này thực ra là sai lầm! các khoản lẻ tẻ lắt nhắt khi cộng vào cực kỳ nhiều. Chúng ta hay nghĩ thu nhập của ta đơn giản có mỗi lương tháng có gì đâu. Tuy nhiên nếu bạn không phải triệu phú, nếu chúng ta chỉ là những người bình thường đang mơ ước về một mục tiêu lớn là tự do tài chính, chúng ta phải bắt tay vào bằng một bước đơn giản: nắm rõ các khoản thu, chi, tiết kiệm, đầu tư, mỗi tháng, mỗi năm mình tiết kiệm đầu tư được bao nhiêu, tổng tài sản của mình là bao nhiêu? Mình đang nợ ngân hàng bao nhiêu? Hiểu rõ tài chính giúp chúng ta tự tin lập ra kế hoạch xây dựng tài sản/ trả nợ của mình ở bước tiếp theo.
Mặc dù nghe thì mất thời gian nhưng theo kinh nghiệm của mình, nếu làm một tuần bạn chỉ mất 30′ một lần, hoặc 10′ mỗi ngày. Cái giá trị của việc ghi chép đó theo mình vượt xa thời gian bạn dành ra cho nó. Cái khó duy nhất chỉ là về mặt tâm lý của bạn thôi.
Mình đã và đang sử dụng Google Spreadsheet để theo dõi tình hình chi tiêu thu nhập tài sản của mình trong vòng 4 tháng qua và nó đã trở thành một thói quen rất dễ. Các bạn có thể tham khảo công cụ mình sử dụng để quản lý tài chính của mình ở đây

2. The latte factor
Trong tài chính cá nhân có một khái niệm nghe rất thơm mùi cafe, đó là the Latte factor,
Đây là một cuốn sách viết về chủ đề này, tuy đơn giản nhưng rất cuốn hút, giải thích cực kỳ dễ hiểu cho các bạn mới tìm hiểu về tài chính cá nhân. Nếu không mua được sách giấy thì các bạn mua bản ebook đọc trên Kindle/ Kobo ở Amazon theo link dưới đây .

The latte factor thực sự là gì
Một cách hình ảnh Latte factor đại diện cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ lặt vặt mỗi ngày, như một cốc cafe $5, như một bữa ăn trưa, một cái váy… Khi nhìn riêng mỗi khoản chi tiêu đó không đáng là bao, nhưng khi đưa vào phép tính thì tổng các khoản chi đó có thể lớn hơn ta nghĩ rất nhiều. Nếu thay vì chi tiêu chúng ta đầu tư vào thì cùng với thời gian, số tiền đó có thể giúp ta chạm tay vào gần với mục tiêu tự do tài chính hơn.
Sức mạnh của cốc cafe
Một cốc latte chi phí mỗi ngày không nhiều nhưng sức mạnh của nó với mục tiêu tài chính thì thực sự đáng nể. Mình đã thay đổi tư duy về tiền của mình khá nhiều sau khi đọc cuốn sách này. Đơn giản nhất đó là mình không mua những gì không cần thiết.
Mặc dù mình vẫn mua cafe khi mình muốn (chứ không tiết kiệm đến mức 1 cốc cafe cũng không dám mua). Tuy nhiên, trước khi mua mỗi cốc cafe hoặc một món đồ gì đó, mình bắt đầu trở nên “mindful” và hiểu được giá trị của nó đối với mục tiêu lâu dài của mình. Do vậy mình không còn chi tiêu lung tung và vô thức nữa. Một cốc cafe có thể cứu rỗi tâm hồn mình những ngày yếu đuối, vậy thì nó rất đáng. Nhưng có những lúc khác mình mua chỉ vì mình thích, vậy thì câu hỏi là mình có sẵn sàng trade off niềm vui một phút chốc với việc xa rời mục tiêu của mình không?
Tại sao 5 đồng không phải là 5 đồng
Để có được 5 đồng để tiêu cho một cốc cafe, bạn phải có thu nhập ít nhất 7 đồng (trước thuế), tương ứng với A giờ / phút lao động. Nếu thay vì tiêu X đồng, bạn đầu tư , sau 20 năm với lãi kép 10% / năm, số tiền bạn sẽ có như sau
Số tiền ban đầu | Sau 20 năm | Lãi đầu tư | |
1 cốc cafe | 5 | 33.63749975 | 672.75% |
1 tháng cafe | 150 | 2617.41034 | 1744.94% |
3. Không bao giờ để trứng vào một rỏ- đa dạng hóa rủi ro
Cái này đơn giản và ai cũng nghe nhưng chắc không phải ai cũng làm theo. Nguyên tắc này có thể áp dụng với rất nhiều lĩnh vực với mục đích giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa rủi ro. Ví dụ, Chúng ta không nên bỏ hết tiền vào tiết kiệm trong cùng một ngân hàng, nếu ngân hàng đó phá sản thì sao? không nên đầu tư hết tiền vào một loại hình (cổ phiếu, chứng khoán, bất động sản, crypto), không bao giờ chỉ trông vào một nguồn thu nhập (nếu thu nhập đó mất thì làm thế nào? Luôn luôn phải có ý thức quản trị rủi ro , rủi ro là không thể tránh khỏi nhưng khi mình có những kế hoạch để giảm thiểu rủi ro thì chúng ta có thể chống đỡ rủi ro hơn rất nhiều.
4. Đa dạng hóa thu nhập và tăng thu nhập thụ động
Có lẽ trong Covid nhiều người đã nhận ra sự mong manh và không chắc chắn của chính công việc của mình, nhiều người đã mất việc do công ty giải thể, phá sản hoặc downsize. Những gì các cụ vẫn dạy là kiếm một nghề cho ổn định không còn đúng nữa. Xã hội ngày nay cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng có nhiều cách kiếm tiền hơn ngày xưa rất nhiều.
Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào lương tháng mà không chủ động tăng thu nhập thì nếu có rủi ro với công việc, tình hình tài chính sẽ rất căng thẳng, thêm vào đó sẽ luôn có một mức trần giới hạn với đa số các công việc làm công ăn lương (nói theo ngôn ngữ tài chính là the upside is capped). Bạn cũng chỉ có thể tiết kiệm ở một mức nào đó, thu nhập không đổi, vậy thì tài sản của bạn làm sao tăng lên?
Đa dạng hóa thu nhập là câu trả lời, có thể tăng thu nhập chủ động và bị động . Có rất nhiều cách, đây là một số cách mình đã và đang tìm hiểu:
-Làm blog ( kiếm tiền thông qua affiliate marketing, bán sản phẩm số, dịch vụ, sponsored post etc.)
-Bán hàng online (dropshipping, Amazon, eBay, Etsy etc.)
-Làm affiliate marketing (cho rất nhiều nhãn hàng, hoặc cho Amazon)
-Làm freelancers (trên Fiverr hoặc upwork)
-Trade crypto, stake crypto (cái này dành cho người có mức độ ưa thích rủi ro cao)
-Góp vốn đầu tư vào các business nhỏ
-Quảng cáo / làm KOL cho các nhãn hàng
Thu nhập bị động là con đường bền vững để chúng ta sớm đạt được mục tiêu tự do tài chính, tuy nhiên con đường này không dễ dàng và cần nhiều đầu tư thời gian , công sức để set up hệ thống lúc đầu. Bù lại công sức của bạn sẽ được bù đắp, bạn không cần bán thời gian lấy tiền nữa. Cảm giác khi ngủ tiền cũng chạy vào tài khoản nó thật sự là rất “đã”
Nói về những cách tăng thu nhập này thì rất nhiều, mình sẽ viết chi tiết thêm về các hình thức này sau nhé
5. Đầu tư càng sớm càng tốt
Mình là một người không thích rủi ro nhiều, đã từng thích để tiền trong ngân hàng cho yên tâm. Nhưng rồi mình nhận ra đó là một quyết định sau này mình sẽ hối tiếc. Với lãi suất ở VN tầm 4% vừa đủ bù đắp cho lạm phát, còn ở Canada là 1%, việc để tiền trong ngân hàng chính là một cách tự làm tiêu tán tài sản của mình , đem nó cho “lạm phát” nghiến. Chỉ nên để một khoản tiền vừa đủ cho quỹ dự phòng, phần còn lại mang đi đầu tư. Để thời gian và tiền làm việc cho chúng ta là quyết định sáng suốt nhất mà mình đã nhận ra và đã thay đổi. (nếu bạn tò mò: Mình đã và đang đầu tư chứng khoán mấy năm trước và mới bắt đầu với crypto trong thời gian này)
6. Nắm rõ sức mạnh của lãi kép
Estein nói lãi kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Khi bạn đầu tư càng sớm, một đồng của bạn cùng với thời gian và sức mạnh của lãi kép sẽ giúp tiền của bạn sinh sôi nảy nở lên gấp nhiều lần.

Để minh họa dễ hiểu các bạn xem bản dưới đây
Lãi suất | 8% | 9% | 10% | |
Tuổi | Năm 0 | 50,000,000 | 50,000,000 | 50,000,000 |
25 | Năm 1 | 54,000,000 | 54,500,000 | 55,000,000 |
26 | Năm 2 | 58,320,000 | 59,405,000 | 60,500,000 |
27 | Năm 3 | 62,985,600 | 64,751,450 | 66,550,000 |
28 | Năm 4 | 68,024,448 | 70,579,081 | 73,205,000 |
29 | Năm 5 | 73,466,404 | 76,931,198 | 80,525,500 |
30 | Năm 6 | 79,343,716 | 83,855,006 | 88,578,050 |
31 | Năm 7 | 85,691,213 | 91,401,956 | 97,435,855 |
32 | Năm 8 | 92,546,511 | 99,628,132 | 107,179,441 |
33 | Năm 9 | 99,950,231 | 108,594,664 | 117,897,385 |
34 | Năm 10 | 107,946,250 | 118,368,184 | 129,687,123 |
35 | Năm 11 | 116,581,950 | 129,021,320 | 142,655,835 |
36 | Năm 12 | 125,908,506 | 140,633,239 | 156,921,419 |
37 | Năm 13 | 135,981,186 | 153,290,231 | 172,613,561 |
38 | Năm 14 | 146,859,681 | 167,086,351 | 189,874,917 |
39 | Năm 15 | 158,608,456 | 182,124,123 | 208,862,408 |
40 | Năm 16 | 171,297,132 | 198,515,294 | 229,748,649 |
41 | Năm 17 | 185,000,903 | 216,381,671 | 252,723,514 |
42 | Năm 18 | 199,800,975 | 235,856,021 | 277,995,866 |
43 | Năm 19 | 215,785,053 | 257,083,063 | 305,795,452 |
44 | Năm 20 | 233,047,857 | 280,220,538 | 336,374,997 |
Lợi suất đầu tư | 466.10% | 560.44% | 672.75% |
Như các bạn thấy, sau 15 năm, với 8% lãi suất / lợi suất đầu tư 1 năm, số tiền của bạn tăng lên 466%, còn với 10% lợi suất đầu tư này là 672%. Đó là sự kì diệu của thời gian và lãi kép.
Nếu bạn bắt đầu đầu tư đều đặn từ 25 tuổi, mỗi tháng bỏ một số tiền nhất định vào tài khoản, kết quả sau 20 năm sẽ rất khác biệt so với khi bạn đầu tư năm 35 tuổi.
Kết
Tài chính cá nhân vốn là một mảng chưa được coi trọng và để ý ở Việt Nam, đặc biệt là từ trong giảng đường. Tuy nhiên đây là một kỹ năng cực kỳ thiết yếu và không thể ngó lơ nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống có trách nhiệm với đồng tiền (financially responsibly) and hướng tới mục tiêu tự do tài chính. Quá trình này với mình là tự học, thử và sai, đọc rồi thực hành, mình hiểu ra về những điểm “mù” của mình, tâm lý của mình ảnh hưởng tới việc quản lý tài chính ra sao. Do vậy, mình muốn tập trung vào chủ đề này để chia sẻ các kinh nghiệm và kiến thức của mình tới mọi người, để mọi người học cách quản lý tài chính của mình tốt hơn.
Còn bạn thì sao? Trong thời gian qua bạn đã học thêm được những kinh nghiệm gì trong tài chính cá nhân? chia sẻ cho mình biết ở comment dưới đây nhé.
P/S: Bạn có thể đăng ký để đón xem các bài viết sắp tới về Personal Finance của mình nhé.
Thân

Leave a Reply